Cái nhìn của một bác sĩ

FB Xuân Sơn Võ
 Gửi anh Đoàn Ngọc Hải

Lẽ ra thì tôi phải gọi anh bằng ông, vì anh là một ông quan. Nhưng anh đã nộp đơn từ chức thì tôi mạn phép xem anh như một người dân mà gọi anh bằng anh cho thân mật.

Cách đây gần 1 năm, tôi đã nhiều lần thể hiện sự bực mình với một số hành vi của anh khi anh dọn dẹp lòng lề đường. Nói cho ngay, tôi cũng là người ủng hộ việc dọn dẹp lòng lề đường nhưng cách anh làm hồi ấy, trong nhiều trường hợp, nó giống như cách nhà nước này thường làm với dân: không quan tâm đến tính nhân văn, đến hậu quả của việc mình làm đối với những người chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc làm đó.

Cũng có nhiều trường hợp anh đúng nhưng vì người ta sẵn không ưa anh nên người ta bẻ quẹo qua thành chuyện lạm quyền. Nhưng đa phần những cái người ta không ưa ở anh là thái độ. Giống như hầu hết các quan chức nhà nước khác, anh không thể hiện được sự cầu thị, anh không có khả năng lắng nghe. Anh chỉ áp đặt, áp đặt và áp đặt.

Khi nghe anh tuyên bố rằng nếu không lập được trật tự, anh sẽ cởi áo từ quan, những người am hiểu tình hình đều có suy nghĩ chắc chắn anh chẳng lập lại được trật tự. Nhưng chẳng mấy ai tin rằng anh sẽ "cởi áo từ quan" như anh đã nói.

Và hôm nay, anh đã thoát ra khỏi cái đám bùng nhùng quan chức bằng việc từ quan của mình. Anh thật đáng khâm phục. Không biết anh sẽ từ quan thật hay không hay đảng lại giao nhiệm vụ và anh phải thực thi. Nhưng nếu muốn làm người tử tế, anh nên kiên định với việc từ quan, anh ạ.

Trong cái bộ máy mà anh đang phục vụ không có mấy người có đủ lòng tự trọng để xin từ quan như anh. Đa phần họ rất trơ trẽn, họ tuyên bố vung vít nhưng không làm điều mà họ tuyên bố, thậm chí, họ còn nói ngược nói xuôi. Anh mà ở lại thì anh sẽ không khác gì họ cả.

Cái bộ máy mà anh đang phục vụ đã và đang đứng đối lập lại nhân dân. Hầu hết việc họ làm chỉ để phục vụ lợi ích của một nhóm người chứ không vì đông đảo người dân. Anh đi dọn dẹp vỉa hè thì anh biết đấy. Cái vỉa hè sinh ra tiền tỉ, nhưng mà cho ai? Những người dân buôn gánh bán bưng được bao nhiêu trong mối lợi mà vỉa hè mang lại?

Rõ ràng là anh chỉ có mỗi một mình. Cả một bộ máy mấy triệu quan chức sẵn sàng để anh đơn độc. 
Không những thế, họ còn chống lại việc anh làm. Chẳng người dân nào chống nổi anh cả. Lúc nào anh xuất hiện trước dân cũng có bao nhiêu công an, cảnh sát đi cùng. Chỉ có các đồng chí của anh mới đủ sức chống lại anh, mới đủ sức làm cho anh thất bại.

Nếu anh thực sự từ quan, anh sẽ cảm thấy thanh thản. Còn nếu anh vẫn một mực trung thành với sự phân công của ai đó thì sẽ có ngày anh phải khuất phục các đồng chí đã làm cho anh thất bại hôm nay và cùng họ đục khoét ngân quỹ, ngăn chặn mọi cố gắng làm cho xã hội này trong sạch, tìm mọi cách bóc lột người dân song song với những lời mị dân khốn nạn nhất, cùng với việc đàn áp dã man mọi sự phản kháng.

Anh cần phải hiểu rằng cái bộ máy mà anh đang phục vụ sẽ không bao giờ làm được những việc như anh mong muốn: lập lại trật tự kỉ cương vỉa hè, lòng đường. Cái bộ máy ấy không còn khả năng làm những việc có ích cho dân, cho nước. Cái bộ máy ấy đang tập trung vào việc duy trì quyền lực thống trị, sẵn sàng làm những việc gây hại cho dân, cho nước để tận thu, vơ vét.

Muốn làm thành công một việc tốt, dù là một việc nhỏ như dọn dẹp vỉa hè, lòng đường thì chắc chắn phải là một bộ máy khác, với những con người khác, trong sạch và không bị lợi ích cá nhân chi phối, không bị người dân ghét bỏ đến mức luôn luôn phải nghĩ cách lừa dân, đàn áp dân. Bộ máy đó phải được đặt dưới sự kiểm soát của hệ thống pháp luật với cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh để không ai dám, cũng như không ai có thể xâm phạm vào quyền lợi của dân, của nước.

Thôi, nghỉ đi anh ạ. Hãy làm người tử tế. Còn ở trong cái bộ máy nhơ nhớp đó, anh chẳng thể nào tử tế nổi đâu. Thật cảm kích với sự dũng cảm của anh, tôi mới có những lời gan ruột với anh như vậy.
9-1-2018

Giai cấp ưu tú

Từ cái hồi xe tôi phải dán thêm cái tem phí bảo trì đường bộ bên cạnh tem kiểm định trên kiếng, tôi không đi xe ra miền Trung. Hôm vừa rồi, trong chuyến khám bệnh hỗ trợ đồng bào Quảng Ngãi bị bão lũ, tôi mới chứng kiến những trạm thu phí dày đặc trên quốc lộ 1. Bỏ 500.000 đồng trên xe, ra đến Quảng Ngãi còn lại đâu như 10.000 đồng. Cứ mỗi lần móc 35.000 đồng ra trả là lại thấy ấm ức. 
Xe mà thiếu cái tem đóng phí bảo trì đường bộ là phạt lên phạt xuống nhưng đường thì cứ thu phí, càng ngày thu càng dày đặc, giá thu càng lúc càng cao.

Mà có phải họ thu phí là đường tốt đâu cơ chứ. Thậm chí, cứ khi nào thấy đường xấu là biết rằng sắp đến trạm thu phí. Và đặc biệt nhất là hầu hết các trạm thu phí đều đặt ngay trên quốc lộ 1, con đường huyết mạch được xây từ thời Pháp, được mở rộng bằng ngân sách và được bảo trì bằng phí của người dân đóng hàng năm.

Cho nên tôi rất thông cảm với anh em tài xế khi họ phản ứng việc thu phí theo kiểu chặn đường mãi lộ của bọn thảo khấu. Không chỉ thông cảm mà tôi còn ủng hộ họ. Tôi mà có thời gian thì thế nào cũng kiếm một ít tiền lẻ rồi xách xe chạy đi chạy lại qua trạm thu phí để ủng hộ anh em Bạn hữu đường xa.

Ông râu dài bảo giai cấp công nhân là giai cấp ưu tú. Ông mặt trắng thì bảo tầng lớp trí thức là tầng lớp ưu tú. Nhưng không, ở Việt Nam, mấy ông nông dân đã làm nên một Đồng Tâm còn mấy anh tài xế thì đã và đang làm nên những Cai Lậy, Ninh An, Phụng Hiệp… Những cái tên bỗng chốc thành thân quen, những địa danh đột nhiên trở nên nổi tiếng.

Ở nước ta, quân đội đi làm kinh tế, quốc phòng àm sân golf, ngư dân bị xua ra bám biển, công binh bán trái nổ cho dân xử lí còn ông già, đàn bà, con nít thì huy động đi lượm đạn. Quan chức môi trường lo hạ chuẩn môi trường cho phù hợp khả năng của doanh nghiệp. Lãnh đạo lúc được gọi là chuột, lúc lại là củi. Bình biến thành lò. Trí thức cứ gà gật chờ thời, xem bên nào mạnh thì hùa theo lấy lòng.

Vừa kính phục anh em Bạn hữu đường xa, vừa xấu hổ cho cái gọi là trí thức, không dám đến cả nói một câu cho thật với lòng. Không lẽ bỏ nghề đi làm lái xe cho đỡ nhục.

6-1-2018
 Kyoto và Huế

Tôi đã đến cả hai thành phố này. Và, thật không công bằng chút nào, tôi đến Kyoto nhiều lần hơn, thăm thú nhiều nơi ở Kyoto hơn so với Huế.

Cả hai thành phố đều là cố đô, đều có thành nội, cùng có cấm cung. Nhưng nếu ta đến Huế, ta sẽ thấy thành nội hay cấm cung đều là một bản thu nhỏ của thành nội Bắc Kinh và Tử cấm thành. Còn ở Kyoto thì nó rất khác, khác từ tổng thể cho đến kiến trúc, nhìn là biết ngay đó là Kyoto của Nhật Bản.
Nhưng chuyện lịch sử thì mỗi nơi mỗi khác. Vấn đề là chuyện bây giờ.

Lần đầu tiên đến Kyoto, tôi có hai cái ngạc nhiên. Cái ngạc nhiên thứ nhất là quạ nhiều vô kể. Chỗ nào cũng thấy quạ. Và ngạc nhiên thứ hai là tôi nhìn thấy rất nhiều những cái gì đó hình ống, bằng thủy tinh, rất to, cao ngang những tòa nhà lớn, chạy ngoằn ngoèo như những con rắn khổng lồ ở khu vực ngoại ô Kyoto.

Thì ra cái "con rắn" bằng thủy tinh đó là những con đường cao tốc. Hai bên đường cao tốc là vách kính cao 8 m, uốn cong vào phía trong, nên nhìn từ bên ngoài, từ xa cứ như những ống thủy tinh. Tôi thắc mắc tại sao lại là vách kính thì được giải thích: vách là để ngăn tiếng ồn còn kính thì để vẫn ngắm được cảnh. Tôi lại thắc mắc, tại sao ở ngoại ô, khu không có người ở mà vẫn phải ngăn tiếng ồn thì được giải thích để không làm kinh động cho lũ quạ,

Lần đến Kyoto sau, vào khu vực trung tâm, tôi lại có hai cái ngạc nhiên. Thứ nhất là thành phố vắng vẻ quá mức so với Osaka sôi động kế bên. Và điều ngạc nhiên thứ hai giải thích cho cái thứ nhất. Đó là tất tần tật - tàu điện ngầm, đường xe lửa thường, đường xe lửa Shinkansen, đường cao tốc... - đều phải đi ngầm dưới đất. Hầu như những hoạt động buôn bán, kinh doanh, hàng quán không mang dáng vẻ truyền thống đều phải đưa xuống dưới mặt đất. Ngay cả các hoạt động văn hóa mang sắc thái phương Tây cũng phải chui xuống đất hoặc nằm sau những bức tường của những khu nhà mà bề ngoài thể hiện sự yên tĩnh một cách kì lạ.

Cứ mỗi lần đến Kyoto, tôi lại phát hiện ra một điều mới lạ. Nhưng có một điều mà lần nào đến Kyoto tôi cũng cảm nhận được, đó là con người Kyoto rất dễ thương.

Nhìn chung, ở Nhật, khi bạn đi ra đường, lớp trẻ dễ thương và dễ tiếp xúc hơn so với lớp trung niên. Càng các cô gái trẻ đẹp, đi giày cao 15 cm, nhuộm tóc xanh đỏ tím vàng, càng dễ thương và càng nhiệt tình, mến khách. Họ sẵn sàng bỏ cả công việc, đi một khoảng thật xa để chỉ đường cho bạn nếu họ không thể diễn đạt bằng lời nói cho bạn hiểu.

Ở Kyoto thì đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ... đều lịch sự và dễ thương. Khác với Tokyo và Osaka, ở Kyoto có nhiều nụ cười hơn. Mặc dù là cố đô nhưng ở đó người ta ít khép kín hơn so với những vùng khác ở Nhật. Và ở đó, ít có phố đèn hồng hơn nhiều so với Osaka hay Tokyo (hoặc có thể do phố đó nằm dưới đất nên tôi ít gặp).

Tôi không dám chắc là tôi biết nhiều về Huế như Kyoto nhưng tôi thấy sự so sánh đôi khi rất là khập khiễng. Chẳng hạn nếu bạn so sánh Sài Gòn với Singapore thì sẽ thấy một thành phố đầy kẹt xe, khói bụi và cực kì lộn xộn với một thành phố sạch và có tổ chức. Hoặc bạn so sánh Hà Nội với Paris thì bạn phải tìm một nơi nào đó cao cao và nhìn xuống một Hà Nội không có đường nét gì ngoài sự hổ lốn về kiến trúc, bạn sẽ thấy cảm giác của bạn khác như thế nào so với khi bạn đứng trên tháp Eiffel nhìn xuống một Paris chỗ nào cũng có bàn tay của các kiến trúc sư tài ba. Có lẽ Huế không phải một ngoại lệ khi so sánh với Kyoto.

Tôi viết bài này khi tình cờ đọc được những ý kiến so sánh các thành phố của ta với các thành phố nước ngoài. Phải nói là ai đó đã rất thành công khi giáo dục cho mọi người tinh thần lạc quan rất AQ.

5-1-2018

A95 lên giá

Năm 2007, tôi làm một vòng xuyên Việt. Khi đó, toàn bộ quốc lộ 1 từ An Lạc - Sài Gòn tới Biên Hòa không có cây xăng nào có bán A95 cả. Nhưng lên tới Daklak thì tôi thấy chỗ nào cũng có xăng A95.
Khi ấy, tôi mua được chiếc xe xịn, quý lắm. Chỉ sợ xe bị tạp chất của xăng làm hư nên dù nhà sản xuất khuyến cáo dùng A92 được rồi, tôi vẫn dùng A95. Thực ra thì cũng chẳng phải là muốn xài sang. Nhưng tôi nghĩ rằng xăng A92 có lẽ nó chứa cái gì đó nên cỡ của nó chắc ngang A83 còn A95 hi vọng sẽ ngang với A92. Chính vì vậy, tôi không cảm thấy ngạc nhiên khi bà con Daklak xài xăng A95 nhiều. Nhiều người trong số họ rất nghèo nên cái xe đối với họ quý lắm. Thà tốn một chút nhưng còn được cái xe.

Chắc nhiều bạn cho rằng tôi quá đa nghi. Thực ra thì sau này, tôi mua được một chiếc xe có tiêu chuẩn bảo vệ môi trường cao. Dòng xe đó được giải thưởng về bảo vệ môi trường mấy năm liền. Mặc dù tôi đã cẩn thận đổ toàn là xăng A95 ở cây xăng Petrolimex cửa hàng đàng hoàng, dù nhà sản xuất chỉ yêu cầu đổ xăng A92, vậy mà nó cứ trở chứng hoài. Mà toàn là báo về khói thải, tức là xăng kém chất lượng. Thế là tôi phải bán nó đi, mua dòng xe mà ở Việt Nam thịnh hành, tức là nó có thể chạy được xăng của Việt Nam. Kể từ đó, tôi không gặp rắc rối với khí thải của xe nữa. Nhưng bây giờ, khi nhà xăng bắt phải xài xăng E5, tôi mới tá hỏa: xe của tôi không xài được xăng E5.

Không biết tại sao đang yên đang lành, nhà nước ta lại bắt xài xăng E5 nhỉ? Bảo vệ môi trường? Thế sao cũng cùng cái nhà nước ấy lại hạ tiêu chuẩn môi trường khói thải cho nhà máy Formosa? Có vẻ chuyện môi trường chỉ là cái cớ. Rõ ràng họ đang bảo tiêu chuẩn môi trường về khí thải của Việt nam cao quá, phải hạ xuống cho vừa với Formosa mà.

Vậy lí do sâu xa không phải là môi trường. Thế lí do là gì? Nghe nói 7 nhà máy xăng E5 thua lỗ nặng. Cả chục nghìn tỉ nướng vào đó có nguy cơ mất trắng. Hay họ ép dân xài để cứu nguy cho 7 nhà máy đó? Cái này nghe có lí. Họ cho xây đường tránh để làm gì không biết nhưng chắc chắn không phải vì dân cần. Biết rõ dân không muốn đi nên họ đặt trạm thu phí ở chỗ mà đi hay không cũng phải trả. Trên tinh thần đó, cấm tiệt A92, nâng giá A95, đố mà không xài E5.

Nhưng có một ý kiến khác, nghe cũng có lí. Dạo này ngành dầu khí xộ khám nhiều quá, chuẩn bị xử cũng nhiều mà đa số mấy tay bị bắt và cả đám chưa bị lộ rất chi là mê tín. 92 thuộc cung tử còn 5 thì thuộc cung sinh. Nên cấm tiệt A92, thay bằng E5. Còn A95 thuộc cung bệnh, tạm thời để đó, chịu khó ngồi ổ mấy năm. Có thể sau khi tình hình ổn định, họ sẽ hạ xuống A93 hoặc tăng lên A97, cho thuộc cung sinh.

Chẳng biết sinh với tử gì nhưng cái xe cháy ở Hà Nội hôm 2-1-2018 vừa rồi cho thấy cung gì cũng khó thoát. Cho nên đừng mượn danh môi trường mà bắt ép người dân. Nhớ nhé.

5-1-2018


Thấy gì từ vụ nổ ở Bắc Ninh

Có quá nhiều chuyện xung quanh vụ nổ ở Bắc Ninh cho thấy các cơ quan chức năng đã quá coi thường tính mạng người dân. Nếu ở một nước dân chủ, những vụ việc như thế này có thể làm đổ cả một chính phủ và chắc chắn là sẽ có nhiều người phải vào tù.

Đầu tiên là vấn đề đạn ở đâu ra mà lại rơi vào tay người đi buôn bán phế liệu? Theo một số thông tin thì đây là do bộ đội công binh bán cho người buôn bán phế liệu để mang về xử lí. Điều này có phù hợp pháp luật hay không? Có quy định nào cho phép bán vật liệu nổ cho dân không? Có quy định nào cho phép giao vật liệu nổ cho dân xử lí không? Có thực sự đây là đạn do bộ đội bán cho người buôn bán phế liệu để họ xử lí hay không? Hay đây là một kho đạn chuẩn bị cho các hoạt động vũ trang của phe nhóm nào đó? Đặc biệt, liệu đây có phải kho vũ khí của "người anh em 4 tốt" lập ra để thể hiện tình thần đoàn kết dân tộc với dân ta hay không?

Tiếp theo là tại sao lại có hàng chục tấn đạn nằm trong một khu dân cư? Trách nhiệm để cho mấy chục tấn vật liệu nổ này tập kết và lưu trữ trong một khu dân cư như vậy thuộc về ai? Để vận chuyển và bốc dỡ mấy chục tấn đạn không phải là chuyện có thể làm giấu diếm được, vậy mà hàng chục cơ quan chức năng có nhiệm vụ giám sát các hoạt động liên quan đến an ninh, quốc phòng lại mù, không thấy.

Một vấn đề không có gì có thể biện hộ được, đó là việc huy động người dân ra lượm đạn rơi vãi. Việc này vẫn được thực hiện ngay cả khi có người do lượm đạn bị nổ nát bàn tay. Lẽ ra chính quyền phải sơ tán dân đến nơi an toàn, cô lập khu vực có đạn. Ngay cả lực lượng công an cũng không thể thu gom đạn mà phải là lực lượng công binh. Vậy nhưng chính quyền lại huy động dân thu gom đạn.

Một vụ nổ bộc lộ nhiều vấn đề, từ tư duy coi thường mạng sống của người dân đến khả năng quản lí, xử lí vấn đề của hệ thống chính quyền. Với tư duy coi thường mạng dân như vậy, với khả năng quản lí và xử lí tình huống như vậy, chính quyền này sẽ bảo vệ sự an toàn của người dân như thế nào?

Với cách quản lí vũ khí như thế này, với khả năng và độ tin cậy của hệ thống bảo vệ an ninh quốc phòng như thế này, không biết quân đội ta sẽ bảo vệ đất nước như thế nào?

4-1-2018

The Good, the Bad, and the Ugly

Một câu chuyện đọc được trên mạng, mang tên "Người tốt, kẻ xấu và tên vô lại", lấy cảm hứng từ "The Good, the Bad, and the Ugly". Tóm tắt câu chuyện như sau:

Rạng sáng 28-12-2017 tại Thường Tín - Hà Nội. Một chiếc xe tải đang chạy bên này đường. Chiếc xe từ bên kia đường đã lao sang, đâm thẳng vào xe tải. Đầu xe tan nát, người lái xe ra đi, bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ, đứa ba tuổi, đứa mới hơn nửa tháng tuổi.

Không biết ai đó đã "tranh thủ" lục lấy luôn cả tiền hàng trên xe, còn lấy cả ví (bóp) chứa toàn bộ giấy tờ, để trong túi quần của người lái xe đang cận kề cái chết. Và sau đó, người thân phải đến nơi chuộc lại chiếc ví với giá mà người giữ ví đề nghị: 600.000 đồng.

Một tài xế taxi Mai Linh cũng "tranh thủ" đòi giá 1,5 triệu cho quãng đường tầm 12 km từ gần cầu Đỗ Xá đến bệnh viện Thường Tín. Định mệnh khiến người anh em không thể qua khỏi nên bị đưa vào nhà tiếp linh phủ khăn chờ thân nhân đến.

Khi người thân tới thì một người trong nhà tiếp linh nói thi thể nên lau rửa và thay quần áo trước khi đưa rồi giúp đi mua vì rành chỗ. Khi về người đó "tranh thủ" đòi 1,7 triệu cho bộ quần áo, vài chiếc khăn, can rượu và tiền công. Không những thế, khi biết người nhà nạn nhân chưa ra kịp, người này còn đòi thêm tiền xác nằm chờ nếu qua 12 h, trong khi bệnh viện ghi rõ không thu bất kì khoản phí nào tại nhà tiếp linh.

Tiếp đó công an đến làm thủ tục, không mổ pháp y mà chỉ chụp mấy tấm ảnh rồi đến trước 2 gia đình đang đau đớn vì mất người thân thu mỗi nhà 3 triệu 380 ngàn và bảo số tiền đó là theo quy định. Không rõ điều đó có phải "tranh thủ" không nữa, nhưng sau người thân hỏi người quen làm bên xử lí tai nạn ở tỉnh khác mới biết quy định chỉ 20 ngàn/tấm ảnh pháp y, hoặc cũng có thể phí ở thủ đô cao hơn ở tỉnh.

Ở đời, đôi khi cái bất hạnh của người này lại là nguồn sống của người khác. Ai cũng phải sống chứ. Và ai cũng có lí do để biện minh cho việc mình làm. Tên móc ví và lấy tiền hàng sẽ nói nếu hắn không lấy thì kẻ khác cũng sẽ lấy. Người đòi 600.000 để trả ví cũng sẽ nói họ lượm được, họ cũng tốn kém để thông báo cho khổ chủ. Còn anh tài xế taxi Mai Linh, anh ấy cũng sẽ phải rửa xe, cũng bị ám ảnh bởi máu me. Ở nhà tiếp linh, thế nào người ta cũng nói triệu bảy là rẻ chán, ở nhà khác, người ta lấy 3 triệu là ít đấy. Rồi thì anh pháp y, anh ấy cũng sẽ nói để không mổ xác, các anh ấy phải đối mặt với vấn đề pháp lí, 3.380.000 đồng mà nhiều nhặn gì.

Chỉ có điều từ thằng ăn cắp, thằng nặn tiền chuộc, tay lái taxi, người trông coi nhà tiếp linh và đám pháp y trong câu chuyện đều rất sung sướng khi tai nạn xảy ra, khi có người bị thương nặng, khi có người chết. Bởi vì, đó là nguồn sống của họ.

Hồi tôi mới ra trường, một bác sĩ thế hệ trước giảng giải cho tôi rằng chúng ta, những bác sĩ, sống nhờ vào kinh nguyệt không đều của phụ nữ. Vì thế, bên cạnh những bác sĩ đau với nỗi đau của người bệnh, cũng sẽ có bác sĩ cảm thấy vui vì có người đau bệnh.

Ngoại trừ chuyện trộm tiền, móc ví và ra giá cắt cổ của anh taxi Mai Linh, ở một xã hội tiên tiến, người ta sẽ lấy của bạn nhiều tiền hơn nhưng với thái độ chăm sóc khách hàng cực kì chuyên nghiệp. 

Bạn sẽ không than thở, thậm chí còn cảm thấy biết ơn họ đã giúp mình.

Cho nên, ranh giới giữa good, bad và ugly đôi khi khó mà phân biệt.

3-1-2018

Pháo bông

Trong việc thưởng thức các món ăn, món ăn thực phẩm, văn hóa hay tinh thần, có một nguyên tắc gọi là vừa đủ. Ông bà ta có câu "No mất ngon". Nếu cái gì nhiều quá sẽ dẫn đến không còn "ngon" nữa.

Xem qua màn ảnh nhỏ, thấy chương trình bắn pháo bông mừng xuân 2018 tại Sài Gòn kéo dài 15 phút. Một số người không thể ngửa cổ xem pháo bông suốt 15 phút nên về sau họ cúi xuống xem… điện thoại. Có lẽ đối với một số người, 15 phút bắn pháo bông là quá dài.

Có thực sự cần thiết bắn pháo bông kéo dài 15 phút trong Tết Tây hay không? Tôi không biết chính xác số tiền chi cho 15 phút bắn pháo bông là bao nhiêu nhưng chắc chắn con số đó không nhỏ. Đồng ý rằng tiền đó không phải là từ ngân sách nhưng tiền nào, từ đâu thì cũng là nguồn lực của xã hội.

Còn bao nhiêu gia đình đang phải chạy ăn từng bữa, còn bao nhiêu người công nhân đang phải sống chen chúc trong những căn phòng chật hẹp tại các khu nhà cho thuê, còn bao nhiêu bạn trẻ đang không có vốn để khởi nghiệp… Nếu chúng ta tập trung nguồn lực của xã hội cho những việc đó, niềm vui mà những đồng tiền bỏ ra mang lại sẽ lâu bền hơn, thiết thực hơn và có khả năng sinh ra những niềm vui khác.

Đồng ý pháo bông cũng là một món ăn tinh thần, cũng cần thiết như gạo, thịt, mắm, muối... nhưng nếu bớt đi ít phút, mọi người sẽ quý trọng những giây phút được ngắm nhìn nó hơn và một phần nguồn lực của xã hội sẽ được đầu tư cho an sinh, cho khởi nghiệp… mang lại những lợi ích lâu dài và thiết thực hơn.

1-1-2018

Tự cứu mình như thế nào?

FB Xuân Sơn Võ

Tôi nhận được bài báo viết về vụ người nhà tấn công bác sĩ khi đang cấp cứu tại hiện trường ở Thái Bình ngay sau khi báo đăng.

Tôi đã đọc bài báo ngay lúc đó. Cảm giác tức giận xâm chiếm tôi. Tôi đã không viết gì cho đến chiều tối, khi cơn giận lắng xuống bớt. Ngay cả khi viết xong, tôi cũng không đưa lên trang Chống bạo hành y tế để tránh cho trang bị ảnh hưởng bởi những kẻ không thích nghe "trung ngôn nghịch nhĩ". 
Cả ngày nay, sự việc ở Thái Bình cứ ám ảnh tôi mãi.

Thái Bình là nơi mà BS Giàu đã bị đâm chết. Sau cái chết của BS Giàu, phong trào tấn công nhân viên y tế phát triển mạnh. Từ hôm qua đến giờ, tôi thèm được là người Mỹ. Ở Mỹ, có lẽ tôi và các đồng nghiệp sẽ được coi là người chứ không như ở đây, chúng tôi được coi là nô lệ. Họ đòi hỏi chúng tôi cống hiến, phục vụ còn họ cứ thoải mái chửi mắng, mạt sát, nhục mạ, đánh, đấm, đâm, chém...

Sở dĩ tôi mong ước được là người Mỹ bởi vì sau khi Michael Davidson, BS phẫu thuật tim của bệnh viện Brigham and Women's bị một thân nhân bệnh nhân bắn chết ngày 22-1-2015, cả hệ thống luật pháp Mỹ đã hành động và chỉ vài tháng sau, những điều luật mới ra đời, những điều luật cũ được sửa đổi, các hướng dẫn để bảo vệ nhân viên y tế đã bắt buộc phải thực hiện ở nhiều bang.

Nếu là người Mỹ, cái chết của BS Giàu sẽ trở nên có ý nghĩa như một lời cảnh báo cho hệ thống chính trị của nước Mỹ rằng nếu họ không bảo vệ được công dân, đặc biệt là những công dân đang làm việc trong hệ thống an sinh xã hội, thì xã hội sẽ rối loạn. Nhưng ở Việt Nam, cái chết của BS Giàu đã trở nên vô nghĩa bởi suy cho cùng, hệ thống an sinh xã hội của đất nước này có rối loạn thì những kẻ lẽ ra phải có trách nhiệm cũng sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì. Chúng sẽ hưởng an sinh xã hội của các nước khác hoặc những đồng tiền mà chúng bòn rút của người dân sẽ an sinh cho chúng. Chính vì quyền lợi của những kẻ lẽ ra phải có trách nhiệm với sự an nguy của người dân và nhân viên y tế, với hệ thống an sinh xã hội không gắn với quyền lợi của người dân, của xã hội này nên chúng chỉ quan tâm đến việc duy trì quyền lực. Quyền lợi của chúng gắn liền với khả năng duy trì quyền lực. Ai sống chết thế nào không ảnh hưởng đến chúng, chúng không cần quan tâm.

Nhiều bạn đưa ý kiến nếu bị đánh thì cứ bỏ đó, không cấp cứu nữa. Đứng trên góc độ tự bảo vệ mình và để tránh những sai sót chuyên môn, đây là cách xử sự đúng. Nhưng như vậy thì những kẻ điên loạn kia sẽ ra sao? Chúng sẽ giết các bạn. Chúng ta, những thầy thuốc, muốn duy trì mạng sống của mình thì cứ phải để cho họ đánh và vừa chịu đòn vừa cấp cứu cho người bệnh. Chúng ta có thể đình công, biểu tình nếu chúng ta không sợ bị dìm trong biển máu. Chúng ta có thể đánh lại, thậm chí có thể giết chết những kẻ đe dọa tính mạng của chúng ta. Chúng ta cũng có thể từ chối chữa bệnh... 

Nhưng tất cả biện pháp ấy đều là tiêu cực. Cách duy nhất tích cực là hệ thống bảo vệ xã hội này phải có biện pháp ngăn chặn bạo lực, trước tiên là bạo lực nhắm vào nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế đang làm việc.

Nhưng trên thực tế, chẳng ai trong cái hệ thống ấy bênh vực chúng ta. Chúng xách ghế đuổi theo chúng ta, chúng đánh chúng ta, chúng tát chúng ta nhưng rồi chúng chẳng bị gì cả. Cùng lắm là phạt hành chính. Chúng là ai? Chúng chính là bọn lưu manh, trọc phú, quan chức, chủ tịch phường... Cả hệ thống chính trị luôn nhặng xị lên với một vài phát biểu thì lại im thin thít khi chúng ta bị hành hung, bị nhục mạ.

Nói cho ngay, cũng có quan chức quan tâm đến chúng ta. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là quan chức cấp cao duy nhất quan tâm đến bạo hành y tế. Cho dù mối quan tâm của bà còn lâu mới đủ độ cần thiết nhưng bà đã là người quá dũng cảm trong cái hệ thống chính trị nặng về duy trì quyền lực này. Nhiều bạn trách bà nhưng tôi thấy bà rất đơn độc trong chuyện này. Ngoài một số nhân viên cấp dưới ủng hộ bà, không mấy ai trong hệ thống quyền lực muốn bà thể hiện điều đó.

Chúng ta phải tự cứu lấy chúng ta. Nhưng cứu cách nào cũng không xong. Biện pháp tích cực duy nhất thì có vẻ như vô vọng.

Những người nắm quyền có thể vô trách nhiệm với xã hội này nhưng chúng ta thì không thể. Khác với họ, chúng ta sống ở đây, con cái chúng ta sống ở đây, tương lai của chúng ta, của con cháu chúng ta, của đất nước ta, của dân tộc ta là ở đây. Chúng ta phải làm cho cái hệ thống chính trị kia hiểu rằng nếu họ không quan tâm đến an nguy của người dân, nếu họ không quan tâm đến sự ổn định của xã hội, nếu họ cứ nhất định biến chúng ta thành nô lệ thì trước sau gì họ cũng sẽ không thể duy trì được quyền lực.

Những cố gắng chống bạo hành y tế của tôi trong mấy năm qua đã thất bại. Tôi mong rằng "trung ngôn" này sẽ được nghe thấy. Còn nếu vì "trung ngôn" này mà tôi bị xử lí thì mong rằng các bạn sẽ không để nó vô nghĩa như cái chết của BS Giàu.

27-12-2017



Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn