Về Đồng Tâm: 59 ha đất Đồng Sênh hay tinh thần thượng tôn pháp luật

Nguyễn Đình Ấm

…thế nhưng, xét trên thực tế, chính quân đội và chính quyền Hà Nội mới cần phải “thượng tôn pháp luật”…

59 ha đất Đồng Sênh không phải là đất Quốc phòng

Sau khi các báo đăng dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Hà Nội và những lời khuyến cáo “phải thượng tôn pháp luật” của chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, chắc ai quan tâm đến dân Đồng Tâm cũng phải “nổi da gà” vì lo cho họ.

Tuy nhiên,chúng tôi đã thở phào khi tiếp cận mảnh đất bình dị như ngàn vạn vùng quê khác.

Có quá nhiều chứng cứ, lý do để khẳng định 59 ha đất Đồng Sênh mà chính quyền Hà Nội nói là đất quốc phòng để giao cho DN viễn thông Viettel là đất nông nghiệp.

clip_image002

Cánh Đồng Sênh bằng phẳng mênh mông bên hướng tây nam là núi Miếu Môn hùng vĩ

- Quyết định 113 ngày 14/4/1980 của nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký giao cho Bộ Quốc phòng 208 ha đất để làm sân bay Miếu Môn, trong đó Điều 1 – “Duyệt cấp cho Bộ Quốc phòng 208 ha, đợt 1”; Điều 3 – “Kể từ ngày có quyết định này, UBND tỉnh Hà Sơn Bình và Bộ Quốc phòng phải quản lý chặt chẽ mặt bằng quy hoạch sân bay (sẽ mở rộng đợt 2 là 360 ha), cấm hẳn việc đào đất làm gạch, xây cất nhà cửa dân cư và các công trình khác. Ngoài công trình của sân bay có kế hoạch giải phóng, các công trình nhà cửa kiến trúc hiện có trên khu vực quy hoạch sân bay theo yêu cầu tiến độ xây dựng công trình…”.

Bảng đền bù đất đai, tài sản

Công trình 115-79 (Kèm theo bảng Báo cáo số 231)

- HTX nông nghiệp Đồng Tâm = 47,36 ha (Ruộng hai vụ thuộc loại 1 =10,7ha; Ruộng lúa + màu loại 2 = 17,7ha; Ruộng chuyên màu loại 3 = 18,96ha)

Đồng Tâm được đến bù hoa lợi 47,6 ha (Tài liệu do dân Đồng Tâm cung cấp).

Nếu đúng như vậy thì Quyết định 113 chỉ thu hồi của xã Đồng Tâm 47,6 ha chứ không có chỗ nào 59 ha. Trong khi đó, vừa qua bà con thuê công ty địa chính (luật sư Trần Vũ Hải giới thiệu) thuê đo đạc cánh đồng Sênh thì có diện tích 106 ha.

clip_image004

Nội dung về khu 47,6 ha trong Quyết định 113 của Chính phủ giao đất làm sân bay Miếu Môn

Như vậy chỉ riêng bằng chứng này đã bác bỏ hoàn toàn dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Hà Nội “59 ha là đất quốc phòng”. Bản kết luận “diện tích đất xã Đồng Tâm thuộc sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm 64,11 ha” là vô căn cứ.

- Kết luận thanh tra “kiểm tra mốc giới sân bay cuối tháng 6 vừa qua của đoàn làm việc nhận thấy từ năm 1981 tới nay, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn còn nguyên mốc giới bê tông cốt thép. Khu vực này là đất quốc phòng với diện tích là 336 ha, tăng 28,9 ha so với diện tích Thủ tướng giao cho Bộ Quốc phòng năm 1980” và 28,9 đất được giải thích là do “co giãn do thi công”(?).

clip_image006

Vị trí khu 59 ha và 47,6 ha

Về vấn đề này, dân Đồng Tâm nói chỉ có mốc giới cho 47,6 ha trong Quyết định 113, ngoài ra không biết ai cắm mốc khác bao giờ và nếu có các mốc thì ai giám định xem nó có từ khi nào. Bản thân những cái mốc ấy cũng không có giá trị khi không có toạ độ, trích lục bản đồ, biên bản kèm theo. Họ khẳng định, nếu chỉ căn cứ mấy cái cọc bê tông thì dân có thể tự cắm hàng nghìn cái. Thử hỏi, nếu những cái cọc bê tông kia là khách quan, chính xác thì sao hôm 15/4/2017, cán bộ công an, bộ đội mời cụ Kình ra để xác định mốc giới nhưng khi đang kiểm tra thì tự nhiên họ nổ súng uy hiếp rồi đánh trọng thương, bắt cụ Kình và một số người mang về Hà Nội giam cầm?

Thanh tra Hà Nội giải thích việc “co giãn” 28,9 ha tăng thêm cho phía quân đội thì có khách quan, trung thực không? Tại sao hôm 7/7/2017, thông báo dự thảo kết luận thanh tra chính quyền lại phải dàn quân khắp các con đường dẫn về hội trường đang họp, chỉ vài ba người thôn Hoành được dự, anh Bùi Văn Kỷ được phát biểu nhưng giữa chừng bị cắt ngang?

- Từ năm 2012 trở về trước (từ năm 2012 “khi Vietel có ý định lấy 59 ha nên chính quyền ngăn cấm không cho dân canh tác nữa”?) dân Đồng Tâm liên tục canh tác trên cánh đồng 59 ha và không có sự ngăn cản nào, trong khi họ vẫn đóng nghĩa thuế cho chính quyền. Anh Nguyễn Văn Phương còn chứng từ đóng nghĩa vụ thuế cho chính quyền xã 10 năm liền… Theo cụ Kình và quan sát của chúng tôi thì, nhiều người còn mua bán, thừa kế đất ở đây làm nhà ở, có cả sĩ quan quân đội phòng không không quân Nguyễn Văn Hùng quê Ba Thá mua của cô Trần Thị Hà (con gái ông Viễn) 480 m2, năm 2005 ông Nguyễn Văn Toán bán cho tổ thương binh của 7 xã 216 m2 để làm trụ sở có mốc giới rõ ràng… Tất cả 6,8 ha đất ở đây đã được phân lô mua, bán có xác nhận của chính quyền địa phương.

Tháng 5/2016 UBNDTP Hà Nội ra văn bản 2590 gửi Sở Tài nguyên & Môi trường, Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, UBND huyện Mỹ Đức, tập đoàn Vietel: “Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do tập đoàn Vietel chi trả” (Theo Blue VN ngày 13/7/2017).

Ngày 14/11/2016, huyện Mỹ Đức huy động 600 cảnh sát, quân đội cùng xe cứu thương, vòi rồng, xe bắt người về đây để giải toả… Vậy nếu cánh đồng Sênh là đất quốc phòng thì sao Vietel phải bồi thường giải phóng mặt bằng? Nếu là đất quốc phòng sao địa phương có thể bán mà ngay sĩ quan đơn vị phòng không không quân lại mua được? Đơn vị quân đội quản lý, trông coi đất ấy đi đâu mà để điều đó diễn ra bao năm liền? Tại sao đất quốc phòng thì quân đội cứ báo cáo Thủ tướng, nếu Thủ tướng đồng ý thì giao cho Vietel theo luật đất đai chứ sao lại là huyện Mỹ Đức đi giải toả? Khu đất 47,6 ha Thủ tướng giao cho quân đội làm sân bay dù 36 năm không làm bỏ hoang, cho thuê sai pháp luật nhưng dân vẫn tôn trọng không đả động gì? Bản thân khi quân đội giải toả, dân “vui như tết” nhưng sao họ lại phản ứng quyết liệt khi định giao cánh đồng 59 ha cho Vietel?

clip_image008

Núi Miếu Môn bị lấy đá nham nhở

Trong kết luận thanh tra nói, “từ tháng 12/2013 đến trước năm 2017 một số công dân tố cáo 47 nội dung cán bộ xã Đồng Tâm sai phạm quản lý đất đai không liên quan đến đất sân bay Miếu Môn đã được giải quyết”. Đúng, từ xưa trước khi thành phố Hà Nội định giao cho Vietel 59 ha ở cánh đồng Sênh không có tranh chấp gì giữa quân đội và nhân dân ở đây và những sai phạm của của chính quyền xã ở khu đồng Sênh 59 ha đất nông nghiệp cũng chưa hề được giải quyết, chứng tỏ không có tranh chấp giữa quân đội và dân.

- Một bên hàng nghìn dân Đồng Tâm đủ các lứa tuổi đã sống, canh tác trên cánh đồng này từ ít nhất 70 năm qua trong đó có cụ Kình hơn 80 tuổi am hiểu hơn ai hết về đất đai, đồng ruộng ở địa phương này. Cụ đã công khai bác bỏ ý kiến nói 59 ha đất đồng Sênh là đất quốc phòng với nhiều bằng chứng cụ thể, khách quan, có tình, có lý. Cụ khẳng định, “nếu nói 59 ha đất đồng Sênh là đất nông nghiệp mà chém đầu tôi ngay thì tôi vẫn nói thế”. Còn bên kia là cán bộ chính quyền nắm toàn bộ quyền hành, chủ động ra mọi văn bản theo ý mình, doanh nghiệp không thiếu tiền bạc đã và đang “khát đất vàng”… thì tin ai đây?

Không thể kể hết những vô lý khi khẳng định 59 ha đất đồng Sênh là đất quốc phòng!.

Ai là người phải “thượng tôn pháp luật”

Hôm Thanh tra Hà Nội công bố dự thảo Kết luân thanh tra (7/7/2017), ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND. TP Hà Nội phát biểu: “Phải thượng tôn pháp luật, lấy pháp luật làm trọng. Mọi người có quyền được kiến nghị nhưng phát biểu phải có giới hạn”… (Vietnamnet: 7/7/2017).

Lời khuyên của ông Chung trong ngữ cảnh này sẽ làm nhiều người hiểu là dân Đồng Tâm ngoan cố không tôn trọng pháp luật và kết luận của Thanh tra Hà Nội là chuẩn xác. Câu nói còn mang tính răn đe như kiểu “không nói nhiều”!

Thế nhưng, xét trên thực tế, chính quân đội và chính quyền Hà Nôi mới cần phải “thượng tôn pháp luật”.

1 - Năm 1980 Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng 208 ha đất để làm sân bay, nhưng 37 năm sau không làm để bỏ hoang, cho thuê “phát canh thu tô”. Vậy có “thượng tôn pháp luật” không khi Nghị định 09 - ngày 12/2/1996, Điều 6 ghi: “Đơn vị vũ trang nhân dân được nhà nước giao đất quốc phòng (QP), an ninh (AN) sử dụng có những nghĩa vụ sau đây:

- Sử dụng đất đúng mục đích, đúng vị trí, ranh giới.

- Không được chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê.

Điều 115, Khoản 2: “Hàng năm đơn vị vũ trang được nhà nước giao sử dụng đất QP, AN phải thống kê báo cáo tình hình sử dụng và biến động về đất đai của các đơn vị mình quản ý theo quy định…”. Vậy quân đội có “thượng tôn pháp luật” “thống kê, báo cáo tình hình sử dụng”… cho Chính phủ không khi để 208 ha đất nông nghiệp hoang, cho thuê?

clip_image010

Viettel đã xây tường bao một phân cánh đồng Sênh

- Chính phủ giao 208 ha đất cho Bộ Quốc phòng làm sân bay nhưng không làm, nay Bộ Quốc phòng và Thành phố Hà Nội tự giao cho Viettel làm cơ sở kinh doanh có đúng thẩm quyền, “thượng tôn pháp luật” không?

-Việc công an Hà Nội, huyện Mỹ Đức hôm 15/4/2017 lừa bà con Đồng Tâm ra đồng để xác định mốc giới, khi đang làm việc khuyên bà con về gần hết chỉ cụ Kình và một số người được ở lại rồi bất thình lình bắn súng uy hiếp, Phó Công an huyện Mỹ Đức Trần Thanh Tùng đá cụ Kình hơn 80 tuổi bị trọng thương rồi ném lên xe chở ra Hà Nội thông báo là “kẻ nguy hiểm gây rối trật tự công cộng”, đến mãi sau dưới áp lực dư luận thì cụ mới được chạy chữa. Việc đánh đập dã man, vu khống một người già hơn 80 tuổi đời, 55 năm tuổi đảng, từng kinh qua nhiều chức vụ ở địa phương, được nhân dân Đồng Tâm kính trọng, tin tưởng,… Vậy chính quyền Hà Nội có “thượng tôn pháp luật” không?

-Việc lừa đảo, hành hung dã man, bắt cóc cụ Kình và một số dân thôn Hoành mang đi là hành vi khơi mào sự phẫn nộ, khiến người dân phải cầm giữ hơn 30 các cán bộ, chiến sĩ CSCĐ, cán bộ huyện Mỹ Đức nhưng vẫn chăm nuôi tử tế, đây có phải là vi phạm pháp luật hay chỉ là tự vệ ôn hoà? Các CSCĐ khi ra về đều có tường trình không bị cưỡng bức, được nhân dân đối xử tử tế, khi về vái chào cảm ơn bà con,… Việc một số thanh niên phẫn nộ đập phá làm vỡ kính phương tiện trấn áp nhân dân là vi phạm pháp luật nhưng có nghiêm trọng bằng việc lừa dối, hành hung làm thương tích nặng người già, một số thanh niên bị bắt đưa về Thuyền Quang trói chặt và bị vây đánh (như anh Lê Đình Uy chia sẻ là bị đánh ngất hai lần)?

clip_image012

Đường về Đồng Sênh còn gian truân

-Trong cuộc tranh chấp khu đồng Sênh, chính quyền Hà Nội ra văn bản bồi thường tái định cư cho những hộ ở Đồng Sênh rồi lại xoá, trong tranh luận thì hạn chế dân dự, trình bày phân tích. Thanh tra Hà Nội lại thanh tra chính quyền Hà Nội, tự mình đứng ở “cửa trên”… thì có khách quan “thượng tôn pháp luật” không?

Vậy ai là người cần phải “thượng tôn pháp luật” trong vụ tranh chấp đất ở Đồng Tâm?

N.Đ.A.

* Văn bản do VNTB gửi BVN.

* Bài có lồng ghép một số ảnh chụp do tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn