Sự kỳ dị của một nhà nước pháp quyền

Anh Văn (VNTB)

Có đứng trong đất nước hiện giờ, mới thấy được rằng, nền chính trị Việt Nam đang bị biến dạng và mất kiểm soát về mặt quyền lực.

Khi quyền lực biến dạng kỳ dị

Có những hiện tượng nảy sinh trong đời sống chính trị - xã hội, nhưng nếu hiện tượng đó quá kỳ dị, thì nó trở thành một bản chất của nhà nước, báo hiệu cho sự vượt khung trong kiểm soát về mặt quyền lực.

Chưa ai có thể tưởng tượng ra nỗi, đến một ngày, quyền lực có thể giúp cho Lưu Tiến Long, Thành ủy viên, Bí thư huyện ủy Mê Linh “làm giàu không khó” khi nhúng tay vào hoạt động bán hàng đa cấp. Một hoạt động được ví như lừa đảo những người hám giàu và những người thiếu nhận thức. Đến gần đây, quyền lực nhà nước tiếp tục được đề xuất đưa sim số đẹp, biển số đẹp vào tài sản công - nếu như đề xuất này được thông qua, nhà nước tiếp tục ôm đồm kinh doanh sim đẹp dạo một cách có hệ thống hơn. Thế mới biết, bí thư huyện không giàu như ta tưởng, và nền chính trị Việt Nam “vì dân” đến mức lo nghĩ mọi cách làm cho ngân sách nhà nước đủ đầy hơn. Đó có thể coi là hệ quả của con nhà nghèo sài kiểu nhà giàu bao năm qua không? Với 3.300 tỷ Trịnh Xuân Thanh, 9.000 tỷ Ngân hàng Xây Dựng; 4.000 tỷ Huyền Như; 80.000 tỷ Vinashin; 50.000 tỷ Vinaline; 12.000 tỷ gang thép Thái Nguyên,…?

clip_image002

Sự thiếu thốn tiền bạc của một cá nhân (Bí thư huyện ủy Mê Linh) cho đến nhà nước hiện giờ (đưa sim đẹp trở thành tài sản công để tận thu nguồn ngân sách) cùng với những phát kiến gần như quái đản như đề xuất đưa “huyện Bình Chánh” trở thành thành phố nằm trong thành phố Hồ Chí Minh để “phát triển nhanh”; đề xuất xây tuyến cáp treo phục vụ đưa đón bà con vào sân ga Tân Sơn Nhất “để chống ách tắc”. Hay tại thủ đô là, quyết định treo 200 ngàn USD để tuyển phương án tổ chức giao thông và chống ùn tắc đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Sở GTVT Hà Nội.

Điều này cho thấy gì, nó cho thấy sự lạm quyền của các ông vua con và các ông vua cha đã khiến cho trật tự chính trị - xã hội giờ đây bị rối loạn, và không còn là một “hệ thống chính trị - xã hội” với quyền lực nhà nước tập trung nữa. Thế nên, trong một thông tin đáng chú ý, ngày 12/1/2017, Oxfarm công bố báo cáo về bất bình đẳng tại Việt Nam. Theo đó, mức độ thay đổi khoảng cách về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất khá lớn. Thu nhập một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam sẽ dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo. Và chúng ta lưu ý, xét trên số lượng giới siêu giàu Việt Nam đa phần xuất phát từ nhóm “đào xới và bán” thì 2/3 trong 210 người trên sẽ hưởng được sự cộng tác quyền lực từ nhóm chính trị gia. Nhóm siêu giàu này, cùng với giới chính trị gia đã làm biến dạng lợi ích công.

Ta có thể thấy điều này tại Hà Nội, nơi mà hơn 1 tuần đưa dàn xe BRT trị giá 50 triệu USD vào hoạt động và bị bao vây tứ bề bởi xe máy và ô tô. Đến ngày 12/01, Sở GTVT Hà Nội quyết định treo 200 ngàn USD để tiếp tục chống ách tắc. Nhưng phương án dù hay đến mức nào cũng sẽ tiếp tục bị “tắc”. Lý do nó nằm ở sự va chạm quyền lực, khi mà nhà cao tầng tiếp tục mọc lên (do ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rải thảm đỏ và tạo điều kiện cho các tập đoàn bất động sản lớn như VinGroup, Tân Hoàng Minh) với yêu cầu đòi hỏi hạ tầng thông thoáng hơn (từ phía Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) - đó là sự va chạm giữa di sản “vua” trước và “vua”sau. Nếu như cả hệ thống chính trị Việt Nam vào cuộc “đổi mới tư duy về quy hoạch”, tức là ưu tiên cao cho hệ thống hạ tầng (cắt đứt quy hoạch lợi ích nhóm), sau đó mới đến cao tầng như ông Thủ tướng Phúc phát biểu thì dù có chịu chi 50 triệu USD cho phương tiện công cộng hay 200 ngàn USD cho phương án thì đó cũng chỉ là cái giải pháp “treo biển bán cá tươi” mà thôi.

Và khẩu hiệu pháp quyền trong văn phòng lạnh

Ngày 09/01/2017, ông Trần Đại Quang đăng đàn bài viết trên Vietnamnet với tít rất kêu: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân”.

Đây là quan điểm bao năm nay mà người dân chờ, tất nhiên, họ cần hơn cả thế - đi ngay vào hành động, xác lập nhà nước pháp quyền. Bởi, khó ai có thể dám tự hào rằng “dân chủ xã hội chủ nghĩa” tiến bộ hay ưu việt hơn “dân chủ tư bản chủ nghĩa”, nếu như thứ dân chủ đó chỉ là một văn bản nói hoặc viết dài ngoằn, ghi lại các “thành tựu cách mạng”, sau đó chốt vào ngay “sự lãnh đạo của đảng đối với Nhà nước” để Nhà nước ta thật sự trong sạch, vững mạnh, quản lý, điều hành đất nước hiệu lực, hiệu quả. Toàn văn bài viết của cựu Bộ trưởng Bộ Công an, nay là Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chẳng những không tổng kết được các thành tựu “pháp quyền XHCN”, mà ngược lại chỉ cho thấy các yếu tố lạm dụng quyền lực XHCN với bình phong pháp quyền. Do đó, toàn bài đã không tìm thấy một cụm từ nào về “quyền tự do”, trong đó nêu bật quyền tự do báo chí, xuất bản, hay thậm chí hội họp; mà chỉ thấy quán triệt sâu sắc Đảng lãnh đạo cho đến kiên định con đường XHCN và cuối cùng vẫn là mô-tuýp cũ “làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng ‘dân chủ’. ”

clip_image004

Pháp quyền kiểu chống... thế lực thù địch của ngài Chủ tịch nước.

Đấy là lý do vì sao, yếu tố “pháp quyền” trở nên xa xỉ. Và cũng là lý do vì sao, những ngày đầu năm mới, thân phụ Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập - TS. Phạm Chí Dũng dù 86 tuổi và đang bị gãy xương háng vẫn bị buộc “triệu” đến Thành ủy để “đấu tố”.

Ông Phó bí thư Thường trực Thành Ủy - Tất Thành Cang, hay đội ngũ thành ủy Tp. Hồ Chí Minh sẽ làm sao có thể đối chấp với ông Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập được. Bởi họ không thể nói, không thể lý luận được về cái quyền tự do báo chí mà đáng ra người dân phải được nhà nước ủng hộ. Họ cũng sẽ chẳng thể nào thoát ra khỏi quan điểm “đấu tố” với cụm từ sáo rỗng “làm thất bại mọi âm mưa, hoạt động của thế lực thù địch”, bởi ngay cả ông Chủ tịch nước - người đại diện ký các văn kiện, hiệp ước về nhân quyền mà còn khởi đầu năm mới bằng một bài mà tiêu đề là “xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền” đầy chất phòng máy lạnh, nội dung lại đậm chất công an trị với “chống thế lực thù địch” thì làm sao cấp dưới có thể nói gì được hơn gì hơn? Bởi đó là thứ pháp quyền méo mó, đầy phi tính và dành cho thiểu số nhóm nước XHCN còn đang rơi rớt hiện nay!

Sự méo mó đó khiến hệ thống chính trị này có thể làm được là “vô nhân tính hóa” các hoạt động và hành vi nhằm bảo vệ cho bằng được sự lãnh đạo của Đảng. Bất chấp nó gây thiệt hại cho người dân ở mức độ nào, bất chấp nó kệch cỡm, thô bỉ và kỳ dị ra sao.

Nhưng quyền lực vẫn đang bị biến dạng, biến dạng đến mức sẽ không còn kiểm soát nữa thông qua các hiện tượng kỳ dị của đời sống chính trị - xã hội. Và khi đó, loạn kiêu binh ngay trong nội bộ Đảng sẽ bộc phát và lan rộng. Quan điểm “làm lồng nhốt quyền lực” muôn đời sẽ là hư cấu.

A.V.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn